PHÁP THOẠI
ĐỨC PHẬT DẠY NHỮNG GÌ
Không làm những điều ác,
Siêng tạo các hạnh lành,
Thanh lọc tâm trong sạch,
Là lời chư Phật dạy.
- Đức Thế Tôn dạy chúng ta không những tránh làm những ác nghiệp, hại mình, hại người, mà cần nên cố gắng vun bồi thiện Pháp để lợi mình, lạc người. Hơn thế nữa, để đạt được niềm
an vui và hạnh phúc tối thượng, Ngài đã dạy chúng ta phương pháp thanh lọc tâm ý của mình qua tiến trình Giới – Định – Tuệ nhầm đoạn trừ tuần tự ba loại phiền não. Giới hạnh trong sạch ngăn chặn các phiền não tác động biểu hiện qua lời nói và hành động, làm nền tảng để tu tập Định tâm. Định tâm tĩnh lặng giúp kiểm soát các phiền não tư tưởng trong ý thức, tạo điều kiện tốt cho Tuệ giác phát triển. Tuệ giác sáng suốt giúp đoạn trừ tận gốc mọi phiền não ngủ ngầm, tiềm ẩn trong vô thức, đưa hành giả từ phàm phu trở thành bậc Thánh.
I. Không Làm Những Điều Ác
Là Phật tử, chúng ta quy y Tam Bảo và giữ gìn ngũ giới để tránh tạo các ác nghiệp.
1. Quy Y Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng)
Khi quy y Tam Bảo và tu tập đúng theo lời Đức Phật dạy, chúng ta sẽ có bốn lợi ích sau:
- An lạc hiện tại, tránh khỏi tái sinh trong 4 cõi ác giới.
- Giảm được sự khổ thân, khổ tâm.
- Tránh xa được sự kinh sợ, hiểm nguy.
- Thoát khỏi tử sinh luân hồi trong tam giới.
2. Giữ Gìn Ngũ Giới
- Cố ý tránh xa sự sát sinh.
- Cố ý tránh xa sự trộm cướp.
- Cố ý tránh xa sự tà dâm.
- Cố ý tránh xa sự nói dối.
- Cố ý tránh xa sự nghiện ngập (rượu, ma túy, …).
Cố ý tránh xa nghĩa là chúng ta cố gắng không phạm giới khi có điều kiện phạm giới.
3. Thực Hành Thập Thiện Nghiệp
Không những giữ gìn ngũ giới, các hành giả đang hành thiền để hướng đến Pháp cao thượng, giải thoát rốt ráo cần phải thực hành Mười Thiện Nghiệp:
- Thân: Cố ý tránh xa sự sát sinh, trộm cướp và tà dâm.
- Khẩu: Cố ý tránh xa sự nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục và nói lời vô ích.
- Ý: Cố ý tránh xa tâm tham lam, thù hận và tà kiến (Chấp ngã, không tin luật nhân quả).
II. Siêng Tạo Các Hạnh Lành (Mười Phước Thiện)
Phước thiện là quả của thiện Pháp, mà bậc thiện trí nên tạo để thân tâm an lạc ở hiện tại và vị lai, ở thế gian và siêu thế. Có 10 phước thiện được chia thành 3 nhóm:
- Nhóm Bố thí gồm: Bố thí, Hồi hướng và Tùy hỷ giúp tiêu trừ tâm keo kiệt và ganh tỵ.
- Nhóm Giữ giới gồm: Giữ giới, Cung kính và Hỗ trợ đều biểu hiện qua thân và khẩu.
- Nhóm Hành thiền gồm: Nghe Pháp, Thuyết Pháp, Chánh kiến, Hành thiền đều có trạng thái làm cho thiện Pháp bậc cao phát sinh và phát triển.
1. Bố thí: Có 3 loại: Vật thí, Pháp thí, Vô úy thí. Phước báu tối ưu khi bố thí có đủ 5 điều:
- Bản thân có giới đức trong sạch.
- Có trí tuệ tin hiểu nhân quả (Vô si), với tâm hoan hỷ (Vô sân) và hướng tất cả phước bố thí cho sự tu tập giải thoát (Vô tham) trong cả 3 thời kỳ: trước khi, đang khi và sau khi bố thí.
- Bố thí với thiện tâm cung kính, giúp đỡ đúng lúc, không làm khổ mình hay chúng sinh khác.
- Vật thí hợp Pháp và hoàn toàn trong sạch.
- Người nhận tu tập chân chính, có Giới – Định – Tuệ.
2. Hồi hướng: “Do phước báu mà con đã bố thí, giữ giới, hành thiền,…, con xin hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc còn hiện tại hay đã quá vãng, cùng các chúng sinh nào nghe thấy được. Mong tất cả các vị hoan hỷ thọ nhận phần phước thiện này để được an vui, hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau, sớm tu theo Chánh Pháp,…..”
3. Tùy hỷ: Thiện tâm hoan hỷ với thiện pháp của người khác, hay hoan hỷ nhận phần phước thiện của người khác hồi hướng cho mình bằng cách nói: “Sādhu! Sādhu! Lành thay!”
4. Giữ giới: là bố thí sự bình yên, không làm chúng sinh đau khổ, nên được xem là Đại thí.
5. Cung kính: Đảnh lễ, cúi đầu với thiện tâm trong sạch đến cha, mẹ, ông, bà, thầy, cô, người lớn tuổi, đặc biệt là với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), những người có Giới – Định – Tuệ.
6. Phục vụ: là hành động hỗ trợ tạo các thiện Pháp qua thân, khẩu, ý mà không hại mình hay chúng sinh khác như dạy học, chữa bệnh, nuôi bệnh, công quả, giúp người khác bố thí,…
Nếu thí chủ ra tiền mua vật thí mà không tự tay bố thí thì dù có tốn nhiều tiền bao nhiêu,
cũng không có nhiều phước bằng người giúp bố thí (Của cho không bằng cách cho).
7. Nghe pháp: Phước thiện nảy sinh khi nghe Chánh Pháp với thiện tâm hiểu biết đúng thật tánh của các Pháp. Người nghe Chánh Pháp để học hỏi, có kiến thức, rồi thực hành, tu tập hướng đến giải thoát, thì người ấy có phước thiện nghe Pháp lớn hơn nhiều so với người nghe Chánh Pháp để thuyết giảng lại Chánh Pháp vì danh lợi.
8. Thuyết Pháp: Chia sẻ Chánh Pháp qua lời nói, tin nhắn, phim ảnh,… giúp người khác tin hiểu Chánh Pháp mà tu tập. Vị nào có khả năng thuyết giảng, chia sẻ Chánh Pháp với thiện tâm trong sạch để tế độ người thì có phước thiện thuyết Pháp cao thượng hơn nhiều so với người thuyết Pháp vì danh lợi.
9. Chánh kiến: là sự thấy biết đúng, tin hiểu luật nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và bản chất của thân tâm là khổ, vô thường, vô ngã qua 3 loại trí tuệ: Văn tuệ (do học), Tư tuệ (do suy tư đúng) và Tu tuệ (do thực chứng). Điều kiện cần thiết để một hành giả có thể tu chứng Thiền, đắc Thánh là vị ấy lúc sinh ra phải là Người Tam nhân. Chánh kiến có vai trò hỗ trợ quan trọng cho tất cả 10 phước thiện để tạo ra Thiện Nghiệp Tam Nhân.
Thiện Nghiệp Tam Nhân là thiện nghiệp có 3 nhân thiện: Vô tham, Vô sân và Vô si, giúp hành giả tái sinh trở thành Người Tam nhân ở cõi người hay cõi Dục Thiên. Vị nào có giới hạnh trong sạch, tạo 10 thiện nghiệp qua thân, khẩu, ý hay tạo phước thiện nào (trong 10 phước thiện) trải qua 3 thời kỳ tác ý như sau sẽ tạo được Thiện Nghiệp Tam Nhân: Có trí tuệ tin hiểu nhân quả (Vô si), với tâm hoan hỷ (Vô sân) và hướng tất cả phước báu cho sự tu tập giải thoát (Vô tham) trong cả 3 thời kỳ: trước khi, đang khi và sau khi tạo phước thiện.
10. Hành thiền: là phước thiện cao nhất, giúp chúng ta giác ngộ, giải thoát, thành tựu Niết Bàn
II. Thanh Lọc Tâm Trong Sạch
Có 3 loại trí tuệ: Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Trong đó, chỉ có Tu tuệ mới thực sự là Tuệ giác giải thoát. Muốn thanh lọc tâm ý trong sạch, thoát khỏi hoàn toàn khổ đau, cách duy nhất là chúng ta phải hành thiền dựa trên nền tảng giới đức. Pháp hành thiền có 2 loại: Pháp Hành Thiền Định (Thiền Chỉ) và Pháp Hành Thiền Tuệ (Thiền Quán).
1. Pháp Hành Thiền Định (Samatha)
Thiền Định (Thiền Chỉ) là Pháp hành mà hành giả phải hướng tâm, tập trung trên một đối tượng Thiền Định duy nhất để tâm dần dần tĩnh lặng, định tâm trên đối tượng đó. Khi có định tâm, năm chi thiền (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất Tâm) xuất hiện và chế ngự được năm phiền não (Tham, Sân, Hôn thụy, Phóng tâm, Hoài nghi), dẫn đến chứng đắc các tầng thiền Sắc giới và Vô Sắc giới. Nhờ vậy, hành giả có thể an trú và hưởng sự an lạc trong tầng thiền ấy.
- Các tầng thiền Sắc giới: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
- Các tầng thiền Vô Sắc giới: Không vô biên xứ thiền, Thức vô biên xứ thiền, Vô sở hữu xứ thiền, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền.
Trong 40 đề mục Thiền Định (hơi thở là đề mục phổ biến), hành giả chọn một đề mục thích hợp với mình làm đối tượng để tu tập. Sau đó, hành giả nên tìm đến vị Thiền Sư uyên thâm về Pháp Học Phật Giáo và thuần thục về Pháp Hành Phật Giáo (nhất là Pháp Hành Thiền Định) để nương nhờ, tu tập về đề mục Thiền Định ấy. Nếu là Người Tam nhân, với sự tinh tấn, chuyên cần và đủ các thuận duyên khác, hành giả có thể chứng đắc được các tầng thiền Sắc giới và Vô Sắc giới, rồi luyện thành công các phép thần thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông), cũng như nhập định hưởng lạc ngay hiện tại hay
tái sinh kiếp sau ở cõi trời Phạm Thiên tương ứng với tâm thiền đã chứng ngay khi chết.
Tuy nhiên, Pháp Hành Thiền Định chỉ có chức năng đè nén các phiền não tạm thời (Đá đè cỏ), chứ không diệt trừ phiền não vĩnh viễn. Ngay cả thần thông cũng không phải là yếu tố giải thoát thực sự và không thể thắng được nghiệp lực, có khi lại mê hoặc quần chúng, khiến họ tăng trưởng tham vọng, không tin nhân quả, nuôi dưỡng tà kiến, rồi dấn thân vào Tà Đạo. Người có thần thông, chưa chắc là bậc Thánh vì thần thông xuất phát từ Thiền Định, chứ không phải là Tuệ giác. Một vị sinh về cõi trời Phạm Thiên, sống thanh tịnh thời gian dài, nhưng khi hết phước, họ sẽ quay lại làm người bình thường, với đầy đủ các thứ phiền não làm họ khổ đau như trước. Cho nên, Thiền Định là đường đi của những ai chán sợ và muốn lìa bỏ đời sống Dục giới, chứ không cầu giải thoát tuyệt đối, chứng ngộ Niết Bàn. Người cầu đạo giải thoát chỉ tu tập Thiền Định để có tâm tĩnh lặng, rồi lấy đó làm nền tảng thực hành Thiền Tuệ.
Chỉ có Pháp Hành Thiền Tuệ mới có khả năng đoạn tận phiền não (Nhổ cỏ tận gốc). Qua cuộc đời của Đức Phật, khi còn là Đức Bồ Tát, Ngài đã từng thực hành Thiền Định với vị Đạo Sư Ālāra Kālāmagotta và vị Đạo sư Udaka Rāmaputta, rồi chứng đắc tất cả các tầng Thiền Định, nhưng Ngài vẫn chưa giác ngộ. Nhờ Pháp Hành Thiền Tuệ, do tự mình khám phá, thực hành, Ngài đã thành tựu Phật Quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Cho nên, Thiền Tuệ là Pháp hành chỉ có trong Phật giáo, là tinh hoa hoàn hảo của Phật giáo, dẫn đến cứu cánh giải thoát.
2. Pháp Hành Thiền Tuệ (Vipassanā)
Thiền Tuệ (Thiền Quán, Thiền Tứ Niệm Xứ, Thiền Minh Sát) là Pháp hành mà hành giả thiết lập và phát triển chánh niệm trên Tứ Niệm Xứ (Thân, Thọ, Tâm, Pháp), rồi hướng tâm quan sát sự biến diệt của các hiện tượng trên thân (Sắc Pháp) và tâm (Danh Pháp) ngay thời khắc hiện tại, để có tuệ giác thấy biết rõ thật tánh sinh diệt và tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) của thân và tâm, dẫn đến giác ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Niết Bàn, diệt tận mọi phiền não, tham ái, trở thành bậc Thánh A La Hán, thoát khỏi sinh tử luân hồi trong tam giới.
Muốn vậy, hành giả phải tiến hành Giới – Định – Tuệ. Trong Bát Chánh Đạo, nhóm Giới gồm có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng; Nhóm Định gồm có Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định; Nhóm Tuệ gồm có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Do đó, khi Bỏ Ác, Làm Thiện và Thanh Lọc tâm, chúng ta cũng đang thực hành Bát Chánh Đạo. Pháp Hành Giới Đức làm nền tảng nương nhờ cho Pháp Hành Thiền Định phát triển. Nhờ vào định tâm kiểm soát các phiền não, hành giả mới thực hành Thiền Tuệ hiệu quả.
► Hai hạng hành giả:
a. Hạng hành giả hành Thiền Định, rồi chứng các tầng Thiền (Sơ thiền đến Tứ Thiền), trước
khi tu tập Thiền Tuệ.
b. Hạng hành giả chưa chứng tầng Thiền nào, rồi thực hành Thiền Tuệ (Thuần Quán) nên khả năng định tâm của họ tối đa chỉ là Cận Định (trạng thái chuẩn bị nhập định) hoặc Sát na định (trạng thái định từng chập của Thiền Tuệ).
Như vậy, hành giả muốn hành Thiền Tuệ phải có định tâm trước (Sát na định, Cận định hay các tầng thiền Sắc giới), đủ sức đè nén được năm chướng ngại (Tham, Sân, Hôn thụy, Phóng tâm, Hoài nghi), rồi mới quan sát các hiện tượng sinh diệt liên tục của thân tâm ngay thời khắc hiện tại để chứng nghiệm thực tánh các Pháp là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Tùy vào căn duyên của mình, mà hành giả chỉ tu tập Thiền Tuệ (Thuần Quán với sát na định hỗ trợ) hay phải tu tập Thiền Định trước để chứng các tầng thiền Sắc giới, rồi mới thực hành Thiền Tuệ.
Để hành Thiền Tuệ thành công, hành giả phải hiểu rõ các đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp, rồi cần có sự hướng dẫn của vị Thiền Sư uyên thâm về Pháp Học Phật Giáo và thiện xảo về Pháp Hành Thiền Nếu là người Tam nhân, với sự tinh tấn, chuyên cần và đủ các duyên lành, hành giả có thể phát sinh lần lượt 16 Tuệ Minh Sát, đắc các tầng Đạo – Quả: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
★ Kết luận: Toàn bộ công phu tu học của một Phật tử, bất kể Tăng tục, có thể gói gọn trong 5 phận sự là Nghiên cứu Kinh, Tu Phước (Ba La Mật), Tu Giới, Tu Định và Tu Tuệ. Cho nên, Pháp Hành Bỏ Ác, Làm Thiện chính là Giới Đức làm nền tảng vững chắc để chúng ta tiến hành Thanh Lọc Tâm, tu tập Thiền Định, Thiền Tuệ phát triển tốt đẹp. Thiền Định chỉ giúp tâm tĩnh lặng, tránh các phiền não tạm thời, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta tiến tu Thiền Tuệ. Chỉ có Thiền Tuệ mới giúp hành giả chứng nghiệm thực tánh các Pháp, diệt tận mọi phiền não, thành tựu Niết Bàn, giải thoát rốt ráo.
—Tỳ Khưu Phước Hưng